Người Sài Gòn lại khốn đốn vì phố thành sông

Chiều 2/10, sau cơn mưa lớn, nhiều tuyến đường ở TP HCM bị ngập hơn nửa mét khiến hàng trăm xe bị chết máy, học sinh bì bõm cùng cha mẹ về nhà, cửa hàng buôn bán ế ẩm...

Người Sài Gòn lại khốn đốn vì phố thành sông
Cơn mưa nặng hạt đổ xuống trên diện rộng ở TP HCM lúc 16h khiến nhiều tuyến đường thường xuyên bị ngập như Hòa Bình (quận 11), Nguyễn Văn Quá (quận 12), Đồng Đen, Âu Cơ (Tân Bình), Tân Hóa (quận 6)... chìm trong biển nước.

Người Sài Gòn lại khốn đốn vì phố thành sông
Nước tràn vào trường tiểu học Hòa Bình. May mắn lúc này là giờ tan học nên các em học sinh không phải đối phó với cảnh ngồi học trên nước.

Người Sài Gòn lại khốn đốn vì phố thành sông
Để đón con, anh Thành phải gửi xe đi bộ qua đoạn đường 1km và cõng con gái về.

Người Sài Gòn lại khốn đốn vì phố thành sông
Hàng trăm xe bị chết máy, nhiều người bị ngã khi vượt 1 km đường ngập.

Người Sài Gòn lại khốn đốn vì phố thành sông
Ông Nguyễn Văn Hồng (60 tuổi) đứng trước cửa nhà với vẻ ngao ngán trước cảnh "cứ mưa là đường thành sông" khiến cuộc sống gia đình ông trong căn nhà hơn 10m2 càng bị đảo lộn. "Tôi sống ở đây 40 năm, chưa khi nào thấy con đường Hòa Bình bị ngập. Từ khi công trình làm cống thoát nước ở kênh Tân Hóa, đường này mới bị ngập dữ vậy", ông Hồng nói.

Người Sài Gòn lại khốn đốn vì phố thành sông
Chị Hồng cho biết đường ngập, người người lo chạy nước nên chị không thể bán được. "Hôm nào mưa là về nhà nghỉ sớm", chị nói.

Người Sài Gòn lại khốn đốn vì phố thành sông
Cửa hàng ế ẩm, nhân viên ngồi thảnh thơi.

Người Sài Gòn lại khốn đốn vì phố thành sông
Nhiều cửa hàng huy động sẵn các bao cát để ngăn nước tràn vào nhà.

Người Sài Gòn lại khốn đốn vì phố thành sông
Hàng trăm xe bị chết máy khi vượt qua "con đường đau khổ Hòa Bình" bị ngập nặng.

Người Sài Gòn lại khốn đốn vì phố thành sông
Nhân viên bãi xe nhà hàng ở trước Đầm Sen cũng ngồi vắt vẻo vì không ai vào cũng như dám lấy xe ra về.

Bắt quả tang tiếp viên hàng không ôm 50 iPhone 5S từ Pháp

Trong chuyến bay từ Paris đến Nội Bài hạ cánh sáng 22/9, nhân viên an ninh đã phát hiện 1 tiếp viên hàng không mang theo 50 chiếc điện thoại iPhone 5S không khai báo.

Theo đó, trong chuyến bay VN106 của Vietnam Airlines từ Paris đến sân bay Nội Bài (Hà Nội) hạ cánh lúc 6h25 sáng 22/9, tiếp viên Bùi Ngọc Tuấn bị nhân viên an ninh sân bay phát hiện mang 50 chiếc điện thoại iPhone 5S trong hành lý mà không khai báo.

Được biết, tất cả số điện thoại này đều còn nguyên hộp, chưa qua sử dụng và được tiếp viên phó mang trên chuyến bay từ Pháp về Việt Nam.

Những chiếc iPhone 5S đang là "món hàng xách tay nóng" được nhiều người săn tìm.

Cơ quan chức năng đã nhanh chóng lập biên bản, bàn giao tiếp viên Tuấn cùng toàn bộ tang vật cho Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ (PC46) công an Hà Nội để điều tra, làm rõ.

Theo đại diện cơ quan chức năng, đây là vụ buôn lậu qua đường hàng không có giá trị lớn, do đó, bên cạnh việc tịch thu số hàng, cơ quan chức năng có thể xem xét xử lý hình sự.

Phát ngôn viên của Vietnam Airlines cùng lúc khẳng định hãng không bao che, dung túng cho sai phạm cá nhân của nhân viên và sẽ kiên quyết xử lý nghiêm mọi hành vi sai trái, vi phạm pháp luật Nhà nước cũng như quy định và kỷ luật của tổng công ty.

Trước đó, vào khoảng tháng 6/2010, cơ quan chức năng Australia đã bắt giữ 7 tiếp viên Việt Nam để điều tra nghi vấn liên quan việc vận chuyển một số điện thoại Iphone và Ipad từ Australia về Việt Nam.

Đang điều tra nguyên nhân nổ súng ở trạm CSGT Suối Tre

Sáng nay (23-9), Đại tá Nguyễn Văn Kim - phó giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai đã chủ trì buổi họp báo do Công an tỉnh tổ chức để thông tin nhanh vụ việc CSGT ở trạm tuần tra kiểm soát giao thông bắn nhau.

Bắt đầu buổi họp báo, đại tá Kim nói: “Đây là vụ việc đáng tiếc nhưng có nhiều báo thông tin khác nhau nên công an tổ chức cung cấp thông tin chính thống”.

Đang điều tra nguyên nhân nổ súng ở trạm CSGT Suối Tre
 Đại tá Nguyễn Văn Kim cung cấp một số thông tin ban đầu về vụ án cho các cơ quan báo chí vào sáng 23-9  - Ảnh: Sơn Định

Theo đại tá Kim, qua xác minh thông tin ban đầu, khoảng gần 18g ngày 22-9, các cán bộ chiến sĩ nghe tiếng súng nổ ở phòng trực nên chạy lên.

Tại đây, CSGT ở trạm đã nhìn thấy ba người bị thương gồm thiếu tá Trần Văn Sơn - phó trạm cùng đại úy Ngô Văn Vinh, thượng úy Đoàn Thanh Phú bị thương nên đưa đi cấp cứu.

Đến 19g40 phút cùng ngày, do vết thương quá nặng nên thiếu tá Sơn đã chết tại bệnh viện.

Ngay sau khi xảy ra vụ việc, ban giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo cho phòng CSGT phải tập trung cứu người và các lực lượng nghiệp vụ khác bảo vệ hiện trường.

Trả lời báo chí về nguyên nhân ban đầu dẫn đến vụ nổ súng, đại tá Kim nói: “Hiện vụ việc đang điều tra để kết luận nguyên nhân bắn nhau. Do hai người còn lại bị thương rất nặng nên chúng tôi chưa thể lấy lời khai. Công an Đồng Nai đang tập trung điều tra và sẽ có kết luận, thông tin đến báo chí sớm nhất”.

Về các thông tin trước khi xảy ra bắn nhau, thiếu tá Sơn và đại úy Vinh có ăn nhậu, Công an Đồng Nai cho hay: “Hiện chưa lấy được lời khai hai chiến sĩ đang bị thương nên chưa thể trả lời được”.

Đại tá Kim nói thêm: “Chúng tôi đã yêu cầu cơ quan điều tra kiểm tra, làm rõ quy trình trực ban của các cán bộ chiến sĩ CSGT có liên quan đến vụ nổ súng. Ban giám đốc cũng chưa nghe mâu thuẫn giữa những chiến sĩ bắn nhau. Trước đó các chiến sĩ đã hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Trả lời câu hỏi của PV Tuổi Trẻ quá trình điều tra về quy trình quản lý súng ở trạm Suối Tre quá sơ sài dẫn đến bắn nhau? Đại tá Kim nói: “Chúng tôi sẽ kiểm tra quy trình quản lý súng vì Bộ Công an quy định rất chặt chẽ việc này. Chúng tôi sẽ điều tra súng của ai, vì sao nổ trong trường hợp này và làm rõ toàn bộ vụ án vì đây là vụ gây hậu quả nghiêm trọng”.

Trong sáng cùng ngày, văn phòng Bộ Công an cũng đã cử lực lượng đến Công an tỉnh Đồng Nai để nắm nguyên nhân vụ việc.

Cảnh sát giao thông bắn nhau, một thiếu tá chết

Chiều 22-9, tại trạm tuần tra kiểm soát giao thông Suối Tre (thuộc Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an tỉnh Đồng Nai) xảy ra một vụ dùng súng bắn đồng đội ngay tại nơi làm việc.

Thượng úy Đoàn Thanh Phú được cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai tối 22-9 - Ảnh: Ngô Thiên Phúc

Hậu quả sau vụ bắn khiến trạm phó trạm Suối Tre là thiếu tá Trần Ngọc Sơn chết, còn đại úy Ngô Văn Vinh, thượng úy Đoàn Thanh Phú cùng bị thương nặng.

Theo các nguồn tin của PV, trước khi xảy ra án mạng, đại úy Ngô Văn Vinh đi nhậu cùng một đồng nghiệp ở quán karaoke HL tại thị xã Long Khánh. Tại đây, qua nhân viên tiếp tân, Vinh biết trạm phó Trần Ngọc Sơn đang ngồi nhậu ở phòng bên cạnh nên cầm ly qua mời. Vinh cụng ly với Sơn và một đối tượng tên Trúc (làm việc ở một gara khu vực Khu công nghiệp Amata, TP Biên Hòa). Lúc này, Trúc và Vinh xảy ra cãi vã, rồi Trúc cầm ly bia đập vào đầu Vinh.

Sau khi xô xát với Trúc, Vinh về trạm nằm ngủ. Khoảng 17g cùng ngày, đi nhậu về, thiếu tá Trần Ngọc Sơn tới trạm “lôi” Vinh ra chửi, rồi nắm đầu Vinh đập vào cạnh giường trước sự chứng kiến của nhiều cán bộ chiến sĩ ở trạm. Bức xúc trước cách hành xử của lãnh đạo, Vinh chạy vào phòng lấy súng bắn vào ngực và đầu thiếu tá Trần Ngọc Sơn. Thấy lãnh đạo bị bắn, thượng úy Đoàn Thanh Phú vào can ngăn, giằng co và bị trúng nhiều phát đạn vào vùng bụng. Ngay tức khắc, Ngô Văn Vinh bị một số đồng đội ở trạm khống chế. Ngoài thiếu tá Sơn và thượng úy Phú bị thương thì đại úy Vinh cũng bị thương nhưng chưa rõ là do bị đánh hay bị thương trong quá trình bị đồng đội khống chế. Những người bị thương được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Long Khánh cấp cứu.

Trong tối cùng ngày, các bác sĩ xác định trạm phó Trần Ngọc Sơn không qua khỏi do có nhiều vết đạn bắn thấu ngực và trúng vào đầu ở vùng thái dương phải. Thượng úy Đoàn Thanh Phú bị thương nặng và mất nhiều máu nên được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cấp cứu. Riêng đại úy Ngô Văn Vinh, các bác sĩ cho hay phải mổ vì phù não do bể sọ.

Sau khi xảy ra vụ việc, các lực lượng nghiệp vụ công an đã đến hiện trường và mổ tử thi để điều tra vụ việc.

Tốn cả đống tiền để đổi lấy phút oai ảo trên Facebook

Bạn nghĩ gì khi nhìn thấy những tấm ảnh một người quen check in Facebook tại một phòng tập gym hạng sang nhất thành phố? Cô ta có lối sống lành mạnh quá. Cô ta thật nhiều tiền. Đó có phải là tất cả đằng sau tấm ảnh?

Có lẽ không cần phải nói thêm về thói “nghiện” mạng xã hội của phần lớn người trẻ chơi mạng bây giờ. Ngoài việc bị cuốn theo các trào lưu trên đó, dành thời gian quá nhiều cho thói quen quan tâm đến cuộc sống (đa phần là ảo) của người khác, người ta còn phải công nhận một điều, mạng xã hội là nơi thích hợp nhất để các “con nghiện” thể hiện mình.

Một sự thật bi hài là họ chấp nhận mất tiền thật ngoài đời, hoặc trải qua trạng thái thật không vui vẻ gì chỉ cần đổi lại những bức ảnh, địa chỉ check in trên mạng xã hội ảo, nhằm khoe với bạn bè. Lên Facebook, nhìn đâu cũng thấy những thứ tốt đẹp nhất, những bức ảnh long lanh nhất, chốn ăn chơi xa xỉ nhất mà ít ai quan tâm sự thật đằng sau nó. Thói thích thể hiện ấy ít nhiều đem lại phiền toái cho chính khổ chủ, nhưng vì sĩ diện nên họ vẫn phải cố, do bản thân “vẫn còn thứ cần thể hiện”.

(Ảnh minh họa)

Phòng tập Gym (thể dục dụng cụ) trên phố T.C mấy hôm nay có thêm 2 nhân vật mới. Bình thường, ít ai để ý đến “new mem”, vì mọi người tới đây đều chung một mục đích: tập thể dục rèn luyện sức khỏe. Thế nhưng, sự xuất hiện của đôi nam nữ còn trẻ, đã khiến không ít thành viên câu lạc bộ Gym bị phân tán tập trung.

Cô gái chỉ khoảng 20-21 tuổi, gương mặt xinh xắn, cơ thể khá cân đối. Đi cùng một cậu bạn có gương mặt và cách ăn mặc na ná… cô, hai người gọi nhau là chị em. Từ buổi đầu tiên, họ đã gây khó chịu với người khác vì tập thì ít, mà uốn éo pose ảnh thì nhiều. Bước chân vào phòng, vừa thay đồ xong là cô gái chạy ngay ra máy tập, pose đúng tư thế đang “khổ luyện”, nhưng không phải để tập mà chỉ để cậu bạn “phó nháy” chụp lia lịa. Lúc sau, đổi lại cậu bạn tạo dáng bên quả tạ, cô gái chạy xung quanh tìm tư thế đẹp nhất để chụp.

Cứ thế, họ loanh quanh hết máy tập này đến máy khác, chỉ chờ có người bước ra là nhanh chóng nhảy vào chiếm chỗ… chụp ảnh. Cô gái còn chịu khó thay 2 bộ quần áo thể thao hợp thời phục vụ pose ảnh. Chụp xong, cả 2 rúc rích chỉnh sửa và post lên Facebook. Họ bàn tán về status rộn ràng đến nỗi ai cũng nghe thấy “Ghi là hôm nay mệt quá, tập mấy động tác mới nhé?”, “Không, phải để là Trời mưa gió cũng không vắng mặt, chăm quá đi”…

Chăm chỉ được 2 hôm, từ ngày thứ 3, chẳng thấy đôi này đến phòng Gym chụp ảnh nữa. Quản lý cho biết họ mua vé tháng đàng hoàng, vậy là đôi trẻ chấp nhận mất gần 1 triệu/người chỉ để up vài tấm ảnh chứng tỏ với dân tình Facebook rằng họ cũng theo “trào lưu” tập tành nở rộ.

Có thể nói, tập Gym bây giờ cũng trở thành cơn sốt nhẹ trên mạng xã hội. Rất nhiều người trẻ đi tập thì ít, các động tác sai lung tung không theo đúng bài bản nhưng lại chăm chỉ pose ảnh lên trang cá nhân của mình. Địa chỉ tập cũng phải hoành tráng, “đắt tiền” để còn check in như C Fitness & Yoga (phố L.H), N fitness (phố H.L)... Bi hài ở chỗ, chỉ tập tành 3-4 buổi, sau khi trang mạng xã hội đã đầy ắp ảnh “tự sướng” cũng là lúc họ bỏ mặc luôn thẻ tập trị giá tới vài triệu. Có sự hoang phí như thế bởi ngay từ đầu, mục đích của các “con nghiện” Facebook chỉ là phục vụ sở thích thể hiện mình trên mạng xã hội.

Một kiểu tốn tiền chỉ để thể hiện nữa, là thói check in theo trào lưu. Với người sử dụng Facebook một cách bình thường, check in chỉ đơn thuần là ghi lại địa chỉ như dấu ấn đã từng đặt chân đến, hoặc có kỷ niệm vui buồn với bạn bè. Nhưng với những “con nghiện” thích thể hiện, check in chụp ảnh còn có khái niệm khác: thể hiện sự ăn chơi, hào nhoáng. Mặc dù đôi khi cái giá tính bằng tiền cho hành động ảo đó, thật không rẻ chút nào.

Lên Facebook của Q.A, một cô gái sinh năm 1990, ai cũng phải công nhận sự chịu chơi khi liên tục thấy Q.A check in ở những chốn bar sàn đắt đỏ, quán ăn nổi tiếng. Nhìn trang cá nhân của Q.A, người ta cứ tưởng cô gái này sinh ra trong gia đình giàu có, không thì cũng thuộc loại giỏi giang kiếm tiền sớm.

Có ai ngờ, nhà Q.A nằm trong con ngõ hun hút ở đường Láng. Bố mẹ cô đều nghỉ hưu, đang bán bánh cuốn ở đầu ngõ. Sở dĩ có hình ảnh long lanh trên Facebook như thế là vì thói quen “không chấp nhận số phận” của Q.A, khi cô “nghiện” thể hiện một cuộc sống khác hẳn so với cuộc đời thật của mình. Để có tiền chi cho những tối lên bar sàn, lúc đầu còn được “giai” bao, đi ăn đi chơi không mất tiền, về sau, Q.A phải chấp nhận “đi khách” với chính những “anh giai” từng bao mình. Tiền có được, cô gái này mua son phấn, quần áo đẹp và để dành… lên bar check in. Mỗi ngày đi chơi đều mất vài triệu, và tất nhiên, mỗi ngày đều có vài địa chỉ check in.

Người ngoài nhìn vào đám ảnh tiệc tùng, check in Facebook toàn khách sạn 5 sao hoặc bar đắt đỏ thì nghĩ Q.A sướng lắm. Ngay cả chính cô cũng tưởng là mình sướng thật, mỗi khi post status, cô viết kiểu “Haizzz, lại phải ăn hưởng” và đằng sau là một địa chỉ check in sang trọng. Thế rồi người trên mạng xem thì biết thế, họ cũng chẳng quan tâm lắm. Còn Q.A, càng ngày càng trượt dài vào trò “bán thân” chỉ để lấy tiền trả cho thú “ăn hưởng” mà cô tự hào post lên Facebook, xây dựng ảo mộng sung sướng.

Những người trẻ như Q.A bây giờ không thiếu. Họ đắm chìm trong sức hút của thế giới ảo, nơi được thể hiện bản thân một cách trọn vẹn nhất, chẳng ai cấm đoán, đến mức chính mình bị “ảo” theo mà không biết. Thế rồi cái ảo tưởng chừng vô hại trên mạng ấy, lại dẫn đến nguy hiểm không ngờ ngoài đời nếu cứ trượt dài. Chuyện cậu dân chơi tên P.Trung (sn1991), bị chủ nợ “tóm dính” tại một nhà hàng đang được nhiều dân mạng lẫn ngoài đời đồn thổi, lấy đó làm ví dụ về “tác hại” trông thấy của việc lạm dụng “check in” mạng xã hội.

Mải chơi bời, Trung nợ một khoản kha khá từ vay tín dụng nóng. Chậm đóng lãi, không nghe điện thoại giục nợ nhưng khi có tiền, cậu này lại tốn vào khoản đi ăn chơi, trên Facebook vẫn check in như bình thường vì nghĩ chủ nợ không có… Facebook mình. Ai ngờ, những mối quan hệ, add friend loằng ngoằng trên đó đã dẫn chủ nợ đến tận nhà hàng nơi Trung đang mừng sinh nhật bạn. Cậu vừa kịp chụp ảnh khoe nhà hàng hạng 1 ấy, chưa đầy 20 phút sau đã thấy vài kẻ xăm trổ vào tận bàn, lịch sự mời ra ngoài “nói chuyện”.

Facebook, hay bất cứ trang mạng xã hội nào khác đều không có lỗi trong chuyện này. Quan trọng là cách người ta sử dụng nó, biến nó thành công cụ để thể hiện, khoe khoang, ảo tưởng về bản thân hay chỉ đơn thuần là một thú vui giải trí ngoài giờ “sống thật”?

Người Hà Nội kém hào phóng hơn người Sài Gòn

Như thông tin đã đưa, nghiên cứu “Đóng góp từ thiện tại Việt Nam” do Trung tâm nghiên cứu Châu Á - Thái Bình Dương ở Hà Nội thực hiện với sự tài trợ của Quỹ Châu Á cho thấy, tại thời điểm khảo sát, ở Hà Nội có 8% doanh nghiệp đang tham gia ít nhất vào một hoạt động từ thiện, trong khi ở TP.HCM lên tới 66%. Trung bình mỗi năm các doanh nghiệp ở TP.HCM đóng góp cho hoạt động từ thiện số tiền nhiều hơn khoảng 8 - 9 lần so với doanh nghiệp ở Hà Nội.

Có nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ có sự chênh lệch trên bởi người Hà Nội kém hào phóng hơn Sài  Gòn. Lý giải vấn đề này, PV có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu Giang Quân với 30 đầu sách về Hà Nội, Công dân Thủ đô ưu tú năm 2011.

Người Hà Nội kém hào phóng hơn người Sài Gòn
Người Sài Gòn chia sẻ với người nghèo đang hằng ngày vật lộn với bộn bề lo toan

Có ý kiến cho rằng, người Sài Gòn làm từ thiện gấp 10 lần Hà Nội bởi người Nam Bộ có tinh thần hào hiệp hơn, ông nghĩ sao?

Có thể người Sài Gòn hào hiệp hơn, nhưng tôi nghĩ trường hợp này không nên so sánh bởi người Hà Nội làm từ thiện âm thầm, không nói ra nên không ai biết để thống kê. Theo tôi, đây cũng là một phần đặc trưng tính cách người Hà Nội. Họ luôn sâu lắng, kín đáo.

Trong khi đó có thể doanh nghiệp ở Sài Gòn cũng làm từ thiện, nhưng họ muốn quảng bá thương hiệu. Rõ ràng, con số trên không phản ánh bản chất vấn đề, tạo ra suy nghĩ không đúng đắn.

Ông vừa nhắc đến đặc trưng tính cách của người Hà Nội, ông có thể nói cụ thể hơn?

Hà Nội là Thủ đô – nơi hội tụ tinh hoa trăm phương. Những người dân từ khắp nơi đổ về Hà Nội đều mang theo văn hóa địa phương. Trong đó, có nét tinh hoa được người Hà Nội sàng lọc, tiếp thu, nhân rộng thành bản chất.

Có thể nói, qua hàng nghìn năm tích tụ tinh hoa đã tạo nên nét thanh lịch - đặc trưng riêng của người Hà Nội. Lời ăn, tiếng nói sinh hoạt của người Hà Nội luôn thanh tao, kín đáo giàu không ai biết, nghèo không ai hay. Vì thế, người Hà Nội có chiều sâu hơn những nơi khác.

Tôi nhớ có lần tôi chứng kiến một gia đình Hà Nội sang hàng xóm vay gạo về ăn. Nhưng gia đình nhà này mang cái tráp đựng trầu đi vay gạo, như thể biếu nhau một cài gì đó. Họ giấu kín không cho người ngoài biết thực tế của họ.

Người Sài Gòn thì sao, thưa ông?

Người Nam Bộ đi khai phá vùng đất mới, luôn phải chống chọi với gian khổ nên họ thương yêu đùm bọc gắn bó nhau. Khi kiếm được đồng tiền, họ coi đó là sức lao động của mọi người nên sẵn sàng san sẻ.

Theo tôi, cuộc sống của người đi khai hoang cũng tạo nên tính phóng khoáng, không cần biết ngày mai. Hôm nay kiếm được ăn hết, ngày mai lại làm lại ăn. Tính hào phóng của người Nam Bộ, người Bắc không thể sánh bằng.

Người Hà Nội kém hào phóng hơn người Sài Gòn
Nhà nghiên cứu Giang Quân

Tại sao người Hà Nội có vẻ như kém hào phóng hơn Sài Gòn?

Vì cuộc sống ngoài miền Bắc kham khổ. Trong lịch sử, miền Bắc luôn bị các thế lực xâm lược nên tính chịu đựng người Bắc hơn hẳn miền Nam (ít phải hứng chịu hơn).

Về điều kiện kinh tế, cánh đồng miền Nam phì nhiêu do thiên nhiên ưu đãi, còn miền Bắc khắc nghiệt, một năm hàng chục trận bão. Vì thế, người miền Bắc tiết kiệm hơn, miền Nam có điều kiện ăn tiêu rộng rãi hơn.

Hiện nay, mức lương nhân viên trong miền Nam cao hơn miền Bắc, giá cả sinh hoạt trong miền Nam cũng đắt đỏ hơn. Nhìn chung, sự chi tiêu của miền Nam lớn hơn miền Bắc. Trở lại vấn đề từ thiện vừa nói ở trên, doanh nghiệp ở TP.HCM đóng góp cho hoạt động từ thiện số tiền nhiều hơn khoảng 8 - 9 lần so với  doanh nghiệp ở Hà Nội cũng không nằm ngoài quy luật này.

Thưa ông, dường như trong suy nghĩ mỗi người Việt, khi nhắc đến tính cách người Hà Nội thường có sự so sánh với Sài Gòn và ngược lại. Vậy, tại sao người ta hay có thói quen như vậy?

Sự so sánh giữa hai miền cũng là chuyện thường, bởi mỗi miền có một đặc trưng rất riêng tưởng như đối lập nhau. Tuy nhiên, đó không phải sự đối lập mà là hỗ trợ, bổ sung cho nhau.

Ví dụ, khi nhắc đến sự phóng khoáng, mạnh bạo dám nghĩ dám làm của người miền Nam, người ta cũng nghĩ đến người miền Bắc vốn thận trọng, điềm tĩnh. Đây không phải là đối lập mà tác động tích cực đến nhau.

Hiện nay, người dân thường truyền nhau khái niệm “người Hà Nội gốc”, ông nghĩ sao về điều này?

Người đến ở Hà Nội sinh sống, một, hai đời sẽ trở thành người Hà Nội gốc. Con người ta khi chuyển đến một vùng đất mới đều phải “nhập gia tùy tục” theo nếp sống ở nơi ấy.

Nhưng đừng nóng vội bắt họ theo ngay, phải có thời gian để “thấm” nét thanh lịch của Hà Nội.  Đừng vội trách người nông thôn đến làm Hà Nội xô bồ...

Tôi ở đây 70 năm đến đời thứ 4 rồi nhưng vẫn chưa dám nhận mình là người Hà Nội gốc. Tôi là công dân Hà Nội mang tính cách người Hà Nội.

70 năm ở Hà Nội, điều gì làm ông yêu Hà Nội để cho ra đời gần 30 cuốn sách nghiên cứu về Hà Nội?

Đó là con người Hà Nội thanh lịch, giao tiếp ứng xử với nhau đôn hậu. Cuộc sống ở đây cũng trầm lặng, hợp với tôi, khác hẳn Sài Gòn ầm ĩ, náo động.

Đặc biệt, cảnh vật ở đây như góc phố cổ, ngõ nhỏ ngoẳn ngoèo, những căn nhà ống 40 - 50 thước sâu vào trong... tất cả in sâu vào tâm hồn tôi.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nữ giảng viên đại học Y Dược xinh đẹp đau khổ kể chuyện bị chồng lừa

“Thời gian quen nhau thuở sinh viên và khi chồng tôi mới ra trường, chưa có việc làm thực sự là thời gian tôi hạnh phúc. Sau này, chồng tôi có việc làm rồi lại chạy theo những mối tình mới” - người phụ nữ có học vấn cao, đang làm giảng viên của một trường đại học y ở Sài Gòn nhưng luôn bị chồng mình lừa tình và tiền có tên Nguyễn Thị Kim trong nước mắt kể với chúng tôi câu chuyện của cuộc đời mình.

Nhân vật đang kể lại câu chuyện đẫm nước mắt với phóng viên.

Yêu và bị chồng lợi dụng tình yêu từ thời sinh viên

Con nhà nghèo nhưng do có bề ngoài khá điển trai, sinh viên trường đại học y danh tiếng ở Sài Gòn lại có tài ăn nói khiến ngay từ những năm đầu đại học, H.V.Ph (nay là quyền Giám đốc Trung tâm…) đã được rất nhiều cô gái theo đuổi và sẵn sàng dâng hiến cho chàng cả tình và tiền. Biết lợi thế của mình, nhưng H.V.Ph chỉ để mắt đến cô sinh viên có cái tên giống một nhân vật trong truyện rất nổi tiếng Thị Kim. Kim được trời phú cho một làn da trắng như trứng gà bóc và đôi mắt lúc nào cũng ươn ướt, thoáng chút buồn nên có khá nhiều đàn anh để mắt tới, nhưng cô lại không để ý đến ai trước khi H.V.Ph tấn công.

Gia đình Kim không phải diện đại gia hay quyền thế ở đất miền Tây để có thể “hô phong hoán vũ”, nhưng được cái cũng có của ăn của để. Những năm học tại trường đại học y ở TPHCM, cô luôn được ba mẹ chu cấp tiền bạc không thiếu. Điều đáng quý, dù xinh đẹp lại có nhiều chàng trai theo đuổi, nhưng hằng năm kết quả học tập của Kim vẫn luôn giữ vững vị trí tốp ten của lớp và khoa. Điều này khiến H.V.Ph càng muốn tìm cách để tiếp cận và chinh phục người đẹp thật nhanh.

Kim tâm sự: “Không biết tại sao khi đó chỉ cần nhìn vào đôi mắt của anh là người tôi như có một luồng điện làm mềm hết chân tay”. Đôi chim câu cứ quấn lấy nhau như hình với bóng cả khi tới giảng đường hay nơi xóm trọ sinh viên, khiến nhiều thanh niên khác sống cảnh xa nhà phải mộng mị thèm khát cảnh yêu đương của họ và thầm chút ghen tị. Không lâu sau, H.V.Ph đã thuyết phục được bạn gái của mình cùng “góp gạo thổi cơm chung”.

Học giỏi, tốt nghiệp năm 2002, trước người yêu một năm, Nguyễn Thị Kim được nhà trường giữa lại làm giảng viên của bộ môn Xét nghiệm. Cuộc sống của Kim và Ph ngày càng hạnh phúc. Một năm sau N.V.Ph cũng tốt nghiệp ra trường, nhưng thất nghiệp. Không sao, đã có người yêu xinh đẹp chu cấp mọi khoản chi tiêu. Thời gian ăn bám người tình cũng qua nhanh, H.V.Ph tìm được việc làm (do người yêu xin cho) tại một công ty nhập khẩu thuốc tây của nước ngoài với vị trí trình dược viên.

Kim tâm sự: “Một thời gian sau khi chồng tôi có công việc ổn định thì cha mẹ tôi mua cho hai vợ chồng một căn nhà ở Sài Gòn và đến năm 2005 chúng tôi kết hôn. Tưởng cuộc sống chỉ toàn màu hồng, ai ngờ? Đến năm 2009, khi tôi có thai được 5 tháng, cũng là lúc cha tôi mắc bệnh ung thư dạ dày phải vào Bệnh viện Chợ Rẫy để điều trị.

Vợ chồng tôi bán căn nhà đang ở và gia đình bắt đầu có sự rạn nứt. Gia đình anh chị em đều ở xa, cha nằm bệnh viện chỉ một mình tôi vào chăm sóc cho ông”. Nói đến đây Kim thở dài: “Có con rể cũng như không, chồng tôi chỉ vào thăm cha vợ được vài lần, sau đó viện lý do đi công tác không vào bệnh viện thăm cha tôi nữa”.

“Lúc trước gia đình tôi có gửi tiền giúp đỡ gia đình chồng nhiều, khi nghe về hoàn cảnh của gia đình anh. Thế mà cha tôi bệnh, gia đình chồng không một ai tới thăm hỏi. Buồn và thấy có lỗi với cha, tôi suy nghĩ nhiều quá nên bị động thai hai lần phải nằm viện điều trị nhưng vẫn không giữ được, sẩy thai, mất con lúc cháu chưa được 6 tháng tuổi”. Mặc cho chị đau đớn một mình trong bệnh viện, không một lần chồng và gia đình  chồng đến thăm. Kể đến đây, nước mắt Kim chảy dài…

Người bạn Kim cho biết, sau này mới vỡ lẽ ra tại sao chồng Kim không vào chăm sóc cô trong bệnh viện. Vì trong thời gian cô nằm viện thì chồng lại đi tìm đến một phụ nữ khác ở rất xa thành phố để hú hí, chăm sóc nhau kiểu vợ chồng. “Tôi điện thoại cho ba mẹ chồng “Anh Ph tệ với con quá ba mẹ ơi”  mong được an ủi và can gián thì ba mẹ chồng tôi lại quát mắng tôi thậm tệ” –  Kim kể trong tiếng khóc mỗi lúc một to.

Tưởng vào chùa là hết… ai ngờ vẫn bị chồng lừa

Người đàn bà đau khổ kể tiếp chuyện trong nghẹn ngào: “Sau đó, cha chồng tôi biết tôi đã sẩy thai và không có con nữa đã tới thẳng Bệnh viện Chợ Rẫy nơi cha tôi điều trị bệnh và cố tình chửi tôi là “đồ mất dậy, là đồ vô giáo dục… tao nguyền rủa bay suốt cả cuộc đời này sống đơn độc”. Tôi im lặng ngồi nghe! Cha tôi lúc đó đang nằm hấp hối, ông mất ít ngày sau.

Qua bận đó, gia đình và nhất là mẹ tôi giận chồng tôi lắm. Nhưng sau đó, vào tháng 6.2010 chồng tôi hỏi mượn mẹ tôi 100 triệu đồng để lo việc gia đình, thương con gái, phải chiều con rể mẹ tôi vẫn cho anh mượn tiền. Thật khổ thân mẹ!”.

Vừa khóc Kim vừa kể: “Cuối năm 2011 tôi được một người bà con bên chồng cho hay, chồng tôi đã có vợ bé. Và cô vợ bé của chồng tôi đã được nhà chồng rước về sống cùng nhà. Bởi cô vợ bé này đã có một con trai với chồng tôi, đứa trẻ đã được một tuổi. Qua tìm hiểu tôi biết, cô vợ bé của chồng tôi tên M. Nghe được tin này tôi rất đau khổ và giận chồng nhiều lắm nhưng vì do mình không có con được nữa nên cũng bỏ qua”.

Được thể chồng tôi dụ: “Cứ để cô M nuôi đứa trẻ lớn thêm vài tuổi thì trả cho cô ta chút tiền gọi là công cô ta sanh đẻ và sau đó đưa đứa trẻ về cho tôi nuôi”. Tin chồng quá! Khi chồng tôi xin cho hai đứa em chồng lên Sài Gòn ở cùng chúng tôi với lý do để tiện việc chăm sóc cho chú em chồng bị bệnh đau lưng tôi đồng ý liền. Khi chú em trai của chồng khỏi bệnh, tôi còn tìm việc làm cho chú ấy ở thành phố. Ấy thế mà sau này chú em chồng lại có nhiều lần lăng mạ tôi bằng những lời lẽ quá độc địa.

Đó  là khi tôi nhắc đến khoản tiền mà chồng tôi mượn của mẹ về lo cho gia đình mình thì H, tên cậu em trai liền nhào tới đánh tôi. Và chú ấy cấm tôi không được trách móc ba mẹ chồng. Chú ấy còn cấm tôi không được nói cho ai hay việc chồng tôi đã có con ngoài giá thú và gia đình chồng mượn tiền của mẹ tôi”.

Chỉ tại bị sẩy thai, không có con mà sao cuộc đời tôi khổ quá! Hoang mang hoảng sợ, tôi bước ra khỏi nhà, đi mà không biết đi đâu, không điểm dừng, giữa đêm khuya ra đến cầu Sài Gòn định nhảy xuống sông cho xong một kiếp người, chấm dứt mọi đau khổ nhưng không được. Một người tốt bụng kịp giữ tôi lại, sau đó lại kêu xe đưa tôi vào nột ngôi chùa ở huyện Hóc Môn.

Sống ở chùa hơn một tuần thì mẹ tìm được và đưa tôi về nhà. Mẹ thuê cho tôi một căn hộ ở chung cư bên quận 8 để ở. Chồng tôi lại tìm đến bên tôi và dùng bài năn nỉ: “Sống bên ngoài không có đàn ông khổ lắm, không còn là một bác sĩ nữa… Chồng tôi còn cho hay: “Ba mẹ chồng không khỏe. Gia đình đang nợ nần không phương trả nổi… Tôi thương chồng mình quá, lại đồng ý để anh tới sống cùng tại căn hộ chung cư mẹ mới thuê cho.

Khi vợ chồng vui vẻ, anh lại dùng lời ngon ngọt thề thốt đủ điều và không biết sao tôi lại đưa cho chồng thêm 2,6 cây vàng (trước đó đã đưa cho anh 30 triệu đồng), để trả nợ cho một người đồng nghiệp”. “Tôi vẫn yêu chồng mình quá phải không? Sau Tết 2012, chồng tôi hỏi mượn tiếp 300 triệu đồng cùng số nữ trang còn lại cuối cùng của tôi gồm: Một đôi bông tai, 1 sợi dây chuyền, một chiếc nhẫn có đính hột xoàn 5,4 ly (tổng giá trị số nữ trang khoảng 200 triệu đồng) và nói để đi Hà Nội chạy chức giám đốc trung tâm…  tôi như bị thôi miên lại lấy tiền, nữ trang đưa cho anh.

Vợ chồng hạnh phúc bên nhau được đến tháng 5.2013 thì tôi lại phát hiện: Điện thoại của anh có những tin nhắn lạ từ số 0906980…: “sao a noj la a ly di r ma” anh co biet la em dang co nguy co la se mang thaj khong, e bj tre kil ca tuan r do, chac em chet mat: … “sao anh lai gat em, anh noi la da ly di vo roi ma”. Qua tìm hiểu tôi được biết cô gái đó vẫn đang là con gái chưa chồng nên cũng không muốn làm bẽ mặt bồ của chồng. Bởi chồng tôi đã hứa khắc phục tính trăng hoa và sẽ sửa đổi. Tôi lại bỏ qua! Tôi nghĩ mình vẫn thương chồng, hơn nữa “xấu chàng thì hổ ai”?

Được thể chồng tôi tiếp tục dụ tôi cùng đi miền Tây để gặp và thỏa thuận việc cấp dưỡng nuôi đứa con của anh với cô M. Tôi nghe và cùng đi với chồng. Lần đó, tôi còn nhớ rõ vào ngày 3.6.2013 vì vừa xuống đến nhà cô M là tôi và một người chị họ cùng đi đã bị cô ta chửi mắng thậm tệ đồng thời cho ăn một trận đòn thừa sống thiếu chết. Bất tỉnh không biết gì, tỉnh lại thấy mình đang nằm tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ. Vụ đó, sau này tôi được biết có công an đã đến lập biên bản và đưa tôi đi viện điều trị”…

Trong câu chuyện từ đầu đến cuối, người phụ nữ đau khổ có cái tên mỹ miều ngồi trước mặt chúng tôi vẫn một câu chồng tôi, hai câu chồng tôi nghe thật ngọt ngào…

Bà Tưng, Ngọc Trinh và giá trị của đồng tiền

Những cô gái trẻ có nhan sắc ấy tin rằng một người đàn ông hoặc là tiền của anh ta sẽ là thứ đảm bảo cho mình tiến thân tạm thời, hoặc có vị trí suốt đời...

Điều đó đã được Huyền Anh và Ngọc Trinh trình bày như một thông điệp thẳng thắn trao cho phía bên kia giới tính. Cả hai cô gái trong những phát ngôn của mình đều khẳng định tiền bạc vẫn đi kèm với tình cảm chân thành của họ với đối phương. Đây có thể xem là một yếu tố làm giảm nhẹ sự trần trụi của thỏa thuận ngầm giữa người đàn ông và người phụ nữ, nhưng tình dục và tiền bạc vẫn phải đóng vai trò tối quan trọng.

Bà Tưng, Ngọc Trinh và giá trị của đồng tiền
Ngọc Trinh và Huyền Anh với những phát ngôn về đàn ông và tiền bạc

Nhan sắc là một tài sản hao mòn

Có một mẩu chuyện ngụ ngôn hiện đại được lan truyền trên mạng internet về tâm sự của một cô gái trẻ xinh đẹp muốn tìm một người đàn ông giàu có để lấy làm chồng (Phiên bản tiếng Anh đăng trên tờ Elite Daily). Cô đã đăng thông tin trên diễn đàn và nhận được phúc đáp như sau:

"Gửi cô gái xinh đẹp,

Tôi đã đọc bài viết của bạn và cảm thấy rất thích thú. Tôi đoán có rất nhiều cô gái cũng có những câu hỏi tương tự như bạn. Xin cho phép tôi được phân tích tình huống của bạn với tư cách của 1 nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Trước hết, mức thu nhập hàng năm của tôi là hơn 500.000 đô mỗi năm, đáp ứng được yêu cầu của bạn, vì thế hi vọng mọi người không nghĩ rằng tôi đang phí thời gian ở đây.

Đứng dưới góc độ là 1 doanh nhân, tôi nghĩ cưới bạn quả là một quyết định thiếu sáng suốt. Câu trả lời rất đơn giản, hãy để tôi giải thích cho bạn hiểu.

Gạt qua những chi tiết linh tinh khác thì rõ ràng bạn đang cố gắng trao đổi "nhan sắc" lấy "tiền": A có nhan sắc và B trả tiền để mua nó, công bằng và sòng phẳng.

Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt ở đây là nhan sắc có thể phai tàn theo năm tháng, nhưng tiền đầu tư thì không như vậy. Thực tế phũ phàng là thu nhập của tôi tăng dần qua năm tháng, còn bạn thì không thể ngày một đẹp lên.

Vì thế, nếu xét dưới góc độ kinh tế mà nói, tôi là một tài sản luôn luôn tạo ra giá trị gia tăng, còn bạn chỉ là một tài sản hao mòn. Hơn nữa, không phải là hao mòn bình thường, mà là hao mòn theo cấp số nhân. Nếu đó là tài sản duy nhất mà bạn có thì giá trị của bạn sẽ bị giảm rất nhiều sau 10 năm nữa.

Nếu so sánh với các phiên giao dịch trên phố Wall thì việc tôi hẹn hò với bạn cũng như một phiên giao dịch vậy.

Nếu giao dịch bị giảm giá thì chúng tôi sẽ bán, chẳng ai ngốc đến mức giữ nó trong một thời gian dài - cũng như việc kết hôn vậy. Có thể bạn nghĩ tôi thật dã man khi nói ra những điều này, nhưng một tài sản mà có giá trị khấu hao lớn như vậy thì tốt nhất là nên bán hoặc là cho thuê.

Bất kỳ người đàn ông nào có thu nhập 500,000 đô mỗi năm đều không phải là những gã ngu. Chúng tôi chỉ hẹn hò với bạn, nhưng chúng tôi sẽ không cưới bạn. Tôi khuyên bạn hãy quên chuyện tìm cách lấy chồng giàu đi. Thay vào đó, hãy tự kiếm cho mình khoản thu nhập 500 nghìn đô mỗi năm để trở thành đại gia. Việc này có nhiều cơ hội thành công hơn so với việc tìm một thằng giàu mà ngu đấy.

Thân ái,

Sumit Kishanpuria, Tổng Giám đốc Ngân hàng JP Morgan"

Tiền hay quyền tự chủ?

Những sự lựa chọn hiện thời đang đạt được mục đích của Ngọc Trinh hay Huyền Anh hiển nhiên mang tính cá nhân, nhưng cũng là một điều đáng buồn dưới con mắt của các nhà xã hội học hay những người đấu tranh vì nhân quyền và bình đẳng giới. Với những trường hợp như vậy, tri thức và tiến bộ đã thất bại trong việc trao vào tay những cô gái trẻ nhận thức về quyền tự do và tự chủ của mình.

Những cô gái ấy đã chấp nhận đặt bản thân mình dưới quyền lực thống trị của người đàn ông; đồng thời tiếp tục đặt bản thân mình dưới sự thống trị của đồng tiền - vốn chỉ được công nhận như là một vật trung gian để trao đổi hàng hóa và dịch vụ. Điều này hoàn toàn không có lợi cho xu hướng phát triển của xã hội, thậm chí đi ngược lại sự tiến bộ của xã hội.

Phụ nữ vốn được xem như nhóm yếu thế so với nam giới bởi sức mạnh về thể lực. Trong hoàn cảnh riêng, Huyền Anh hay Ngọc Trinh còn có thể ở thế yếu hơn so với các đại gia mà các cô đang hướng tới.

Nhưng nhóm yếu thế cần được biết rằng tiền bạc hay sự ngoan ngoãn phục tùng không phải là thứ làm cân bằng được mối quan hệ giữa người với người. Chỉ có tri thức, sự hiểu biết và khả năng tôn trọng lẫn nhau, cùng với tiến bộ của xã hội và một xã hội công nhận các giá trị tối thượng của con người - mới có thể trao vào tay những người yếu thế sự tự chủ,  lòng kiêu hãnh và khả năng tự do, phát triển. Thứ mà trong vô thức và sợ hãi, họ đã tuột tay đánh mất.

Hiểu lầm thường gặp về người đồng tính

Người có vẻ ngoài "ái" hoàn toàn không phải là người đồng tính. Người thích cả hai giới cũng không thuộc nhóm này. Sự thực, rất ít người hiểu đúng về người đồng tính nói riêng hay "thế giới thứ ba" nói chung.

Hiểu lầm thường gặp về người đồng tính
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa

Hiệp hội tâm lý học Mỹ sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn những thắc mắc này.


1. Người đồng tính là gì?

Đồng tính (Lesbian, Gay) là người có cảm giác hấp dẫn về tình cảm, thể chất với người cùng giới.

2. Người song tính là gì?

Song tính (Bisexsual) là người có cảm giác hấp dẫn về tình cảm, thể chất với cả hai giới.

4. Người dị tính là gì?

Dị tính là người có cảm giác hấp dẫn về tình cảm, thể chất với người khác giới.

5. Người chuyển giới là gì?

Chuyển giới (Transgender) là trạng thái khi một người có giới tính sinh học không trùng với bản dạng giới hay thể hiện giới của họ (ví dụ có cơ thể là nam và nghĩ mình là nữ, hoặc bề ngoài như nữ). Người chuyển giới liên quan tới việc người đó nhận dạng hoặc thể hiện mình là nam hay nữ, trong khi người đồng tính lại liên quan tới việc người đó yêu người cùng giới hay khác giới.

6. LGBT là gì?

LGBT là viết tắt tiếng Anh của người đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính và chuyển giới (Lesbian, Gay, Bisexsual và Transgender).

7. Đồng tính có phải là một bệnh, rối loạn tâm lý hay vấn đề về cảm xúc hay không?

Không. Các nhà tâm thần học, tâm lý học và chuyên gia sức khỏe tâm thần đã đồng ý với nhau rằng đồng tính không phải là bệnh, rối loạn tâm lý hay vấn đề cảm xúc.

Hành vi dị tính hay hành vi đồng tính đều là những khía cạnh bình thường của tính dục con người. Cả hai đều được ghi nhận trong các nền văn hóa và giai đoạn lịch sử khác nhau. Hàng thập kỷ nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng đều đi đến kết luận rằng đồng tính, dị tính hay song tính đều là điều bình thường, tự nhiên của con người. Các tổ chức y học, sức khỏe tâm thần đều lần lượt không còn xem đồng tính là một bệnh hay rối loạn tâm lý nữa.

8. Làm sao để một người biết mình là đồng tính hay song tính?

Về cơ bản, người ta có thể không quan hệ tình dục mà vẫn biết xu hướng tính dục của mình - thích người cùng giới, khác giới hay cả hai.

Mỗi người đồng tính và song tính cũng có trải nghiệm rất khác nhau. Có người biết mình là đồng tính hoặc song tính từ lâu, sau đó mới có quan hệ yêu đương, tình dục. Có người lại có quan hệ tình dục trước (với những người cùng giới hay khác giới) rồi mới tự xác định xu hướng tính dục của mình. Định kiến và phân biệt đối xử khiến nhiều người chối bỏ xu hướng tính dục của mình, vì thế việc nhận ra bản thân là đồng tính hay song tính có thể là một quá trình diễn ra từ từ.

9. Có cách nào để một người đồng tính trở thành dị tính không?

Tất cả tổ chức lớn về sức khỏe tâm thần đều đã cảnh báo chính thức về những cái gọi là “liệu pháp thay đổi xu hướng tính dục”. Không có một liệu pháp nào chứng minh những biện pháp này là an toàn và hiệu quả. Các lời khuyên thường nghe như tập chơi các môn thể thao với đồng tính nữ hay cố gắng không tiếp xúc với người cùng giới, đều là những lời khuyên không dựa trên cơ sở khoa học.

10. Người đồng tính nữ, đồng tính nam và người song tính có thể là những ông bố, bà mẹ tốt không?

Có. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng không có sự khác biệt nào trong quá trình phát triển của nhóm trẻ em do các phụ huynh là người đồng tính nuôi dạy với nhóm trẻ em có phụ huynh là người dị tính, dựa trên cả bốn yếu tố quan trọng là: trí thông minh của trẻ, sự biến chuyển tâm lý, sự thích nghi với xã hội, và mức độ hòa nhập với bè bạn. Một điều quan trọng cần biết nữa là xu hướng tính dục của người bố hay người mẹ không quyết định được xu hướng tính dục của đứa con. Cha mẹ đồng tính không có nghĩa là con cái cũng sẽ đồng tính, bởi vì cũng giống như cha mẹ dị tính không có nghĩa con cái họ cũng sẽ dị tính.

11. Có phải tất cả những người đồng tính và song tính nam đều nhiễm HIV?

Không. Đó chỉ là ngộ nhận hoang đường của nhiều người. Trong thực tế, nguy cơ nhiễm HIV liên quan đến hành vi của một người, chứ không liên quan đến xu hướng tính dục của người đó. Mọi hành vi quan hệ tình dục không an toàn, dù là cùng giới hay khác giới, đều nguy hiểm như nhau. Điều quan trọng cần nhớ về HIV/AIDS là bạn có thể phòng ngừa bệnh bằng cách luôn luôn quan hệ tình dục an toàn, cũng như không sử dụng các chất ma túy.

Phải chăng người Việt hung hãn?

Có thật người Việt hung hãn không? Hay môi trường sống căng thẳng quá, khắc nghiệt quá khiến ngay cả người hiền lành cũng không thể nín nhịn, không thể chấp nhận một lời xin lỗi, giải thích?

Phải chăng người Việt hung hãn?
Đánh nhau do va chạm nhỏ tại P2 Tân Bình ngày 10/9/2013

Tôi phải xin lỗi ngay tất cả những người Việt hiền lành vì cái tựa bài viết này.  Nhưng hằng ngày tham gia giao thông trên đường chứng kiến nhiều cảnh va chạm, và bản thân cũng từng là nạn nhân hoặc chủ nhân của những vụ va chạm xe cộ, tôi không thể nói khác hơn là trong mỗi người chúng ta đều tiềm tàng một sự hung ác chỉ chực bùng lên.

Bất luận đúng sai thế nào chưa biết khi có va quẹt, đụng độ trên đường, mỗi bên đều sẵn sàng sửng cồ, nóng mặt, nặng lời với nhau, đổ lỗi cho nhau, và tệ hại nhất là xông vào nhau đánh đấm, hành hung, mặc cho giao thông vì thế bị ách tắc, mặc cho cơ thể vì thế bị tổn thương, và trầm trọng nhất là có thể mạng sống con người bị cướp đi không phải vì chính sự đụng độ mà là do hai bên đụng độ quyết “ăn thua đủ” với nhau.

Câu chuyện vừa xảy ra trước sân bay Tân Sơn Nhất giữa một tài xế xe tải và một tài xế taxi (Tuổi Trẻ ngày 12-9 và tuoitre.vn) thêm một lần nữa cho thấy sự hung hãn của người ta hiện nay.

Hằng ngày đọc báo ai mà chẳng bắt gặp nhiều chuyện còn đau lòng hơn khi chỉ vì một va vấp, đụng chạm cỏn con, lẽ ra có thể thu xếp ổn thỏa, có thể dàn hòa làm lành thì máu người phải đổ, mạng người phải bỏ.

Tại sao như vậy? Có thật người Việt hung hãn không? Hay môi trường sống hiện nay căng thẳng quá, khắc nghiệt quá, khiến ngay cả người hiền lành cũng không thể nín nhịn, không thể chấp nhận một lời xin lỗi, một câu giải thích?

Chúng ta đang lưu thông trên đường hằng ngày trong một khung cảnh giao thông hỗn độn, bát nháo, tiềm tàng nhiều hiểm nguy, mà ngay cả khi mình đi đúng đường đúng luật, mình chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ giao thông vẫn rất dễ bị thương tật và thương tổn.

 Làm sao để mọi người tham gia giao thông có ý thức đúng trên đường, từ đó biết cách xử lý đúng lẽ đúng tình với những sai phạm xảy ra? Tôi nói thật, nhiều khi tôi đã muốn đâm xe vào những kẻ vượt đèn đỏ ở các ngã tư khi tôi đang ở chiều đèn xanh được phép đi.

Đèn xanh vừa bật, xe thuận chiều được phép đi thì bỗng đâu có những xe bất chấp đèn đỏ từ phía họ cứ phóng vọt lên, ngáng trở luồng chuyển động hợp pháp.

Trong hoàn cảnh đó, tôi hay người nào khác có đâm xe vào kẻ đi trái luật thì tôi không có lỗi. Song ai sẽ đứng ra giải quyết vụ “đâm xe” đúng luật đó? Lâu nay chúng ta đều chịu nhượng bộ, lùi bước trước sự sai trái của một số ít người ngay trước mắt chúng ta, rất công khai, rõ ràng.

Hơn thế nữa, nếu người đi đúng hiệu đèn làn đường mà va phải (tôi định dùng chữ “lỡ” ở đây nhưng lại thôi vì đâu phải là “lỡ”) người đi trái thì thường còn bị lôi thôi, rắc rối. Cái đúng bị cái sai lấn át, đè bẹp.

Bài toán giao thông chính là ở chỗ đó. Tôi lái ôtô đến ngã tư được phép rẽ phải khi đèn đỏ nhưng ở làn rẽ có vạch quy định trên mặt đường đã bị nhiều người đứng chắn mất, vậy tôi phải làm gì? Cho xe thúc đít những người đứng sai chỗ trên đường, tức là sai luật, thì tôi có được vô tội không?

Câu chuyện về hai người tài xế vậy là thành chuyện tính hung hãn của người Việt có phải là sẵn có hay là chuyện văn hóa giao thông của người Việt đang man rợ, sơ khai?

Nếu không có cái nhìn tổng thể cả về hệ thống giao thông, hệ thống luật pháp, hệ thống văn hóa thì tôi chắc mỗi người chúng ta vẫn đang thường trực bị vừa là nạn nhân vừa là chủ nhân của những tai nạn thể xác và tinh thần khi tham gia giao thông hiện nay. Ai dám chắc mình không nổi khùng lên khi bị va chạm, đụng độ xe cộ?

Mỗi người hãy trung thực trả lời câu hỏi này thì sẽ thấy mình không vô can trước những sự cố xảy ra như cơm bữa hằng ngày trên đường. Người dân phải có ý thức từ mình. Và chính quyền phải có trách nhiệm về mình.
home